Dây thìa canh nổi tiếng có nhiều công dụng hỗ trợ điều trị y khoa, đặc biệt với bệnh tiểu đường. Đây là loại cây thuộc nhóm thảo mộc thân leo, được tìm thấy tại Việt Nam vào năm 2006.
Dây thìa canh là gì?
Dây thìa canh tên gọi khác là dây muôi hay lõa ti (tên khoa học là Gymnema sylvestre) có dạng thân leo với chiều dài trung bình 6-10m, đường kính khoảng 3mm.
Loại cây này có hoa màu vàng, mọc chùm ở dưới nách lá, quả dài 6cm, hình bầu, hạt dẹp. Toàn bộ cây gồm thân dây, lá, hoa và quả đều có thể dùng làm thuốc nên được coi là một loại dược liệu quý hiếm.
Nguồn gốc phát hiện dây thìa canh
Dây thìa canh có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trong một số sử sách và tài liệu ghi lại rằng người Ấn đã sử dụng dây thìa canh như một phương thuốc chữa bệnh tiểu đường hiệu quả cách đây 2000 năm. Loại dây leo này sinh trưởng vô cùng thuận lợi ở vùng thung lũng miền Trung Nam của Ấn. Về sau, dây thìa canh được phát hiện thêm ở khu vực Châu Á, cụ thể là ở các nước Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam.
Năm 2006, PGS.TS Trần Văn Ơn – Giảng viên cao cấp Bộ môn Thực vật, Trường đại học Dược Hà Nội là người đầu tiên khám phá ra tác dụng tuyệt vời của cây thìa canh trong điều trị bệnh tiểu đường. Trong hành trình 10 năm nghiên cứu và tìm kiếm, ông đã cùng cộng sự phát hiện ra loại thảo mộc quý này được phân bố ở các tỉnh như Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình, hiện nay được trồng nhiều ở Thái Nguyên và Nam Định.
Những tác dụng thần kỳ của dây thìa canh
Loại dược liệu quý này có rất nhiều tác dụng hữu ích đối với sức khỏe.
Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Lượng hoạt chất Axit Gymnemic dồi dào trong dây thìa canh là yếu tố chính giúp cây được bào chế để chữa bệnh tiểu đường. Axit Gymnemic có khả năng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin tự nhiên giúp ổn định đường huyết và ngăn ngừa biến chứng xảy ra.
Hỗ trợ giảm cân, chống béo phì
Lượng Axit Butyric có trong cây có tác dụng ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa đồng thời làm giảm cảm giác thèm ăn. Vì thế mà dây thìa canh hỗ trợ giảm cân, chống béo phì rất tốt.
Có tác dụng giảm mỡ máu
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng GS4 cao có trong dây thìa canh hỗ trợ giảm lượng cholesterol và chất béo trung tính tuyệt vời. Qua đó, người bệnh sử dụng dây thìa canh thường xuyên sẽ giảm được triệu chứng mỡ máu. Ngoài ra, dây thìa canh còn giúp cải thiện được giấc ngủ của người dùng
Làm mất cảm giác ngọt, đắng
Chất Peptide Gumarin trong dây thìa canh tươi kích thích vào vùng dưới đồi nên lưỡi mất đi khả năng cảm nhận vị đắng và ngọt. Điều đặc biệt là dây thìa canh chỉ làm mất vị giác của 2 loại vị này thôi, các mùi vị khác không bị tác động. Hiện tượng này kéo dài khoảng 2 – 3 giờ do trong huyết tương có chất kháng Peptide Gumarin.
Một số tác dụng khác
Dây thìa canh còn một số tác dụng khác như: điều trị vết thương do côn trùng hoặc rắn cắn nhờ hoạt chất Anthraquinone và Hentriacontane có trong rễ cây. Hay một số lượng axit béo có trong dây thìa canh giúp kích thích tiêu hóa, cải thiện khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, cây có chứa chất kháng viêm nên hỗ trợ điều trị chứng đau nhức xương khớp khá hiệu quả.
Các hoạt chất trong dây thìa canh
Trong dây thìa canh, thành phần hoạt chất chính là Acid gymnemic, một hoạt chất thuộc nhóm Saponin triterpenoid loại Oleanane. Bên cạnh đó, nó cũng chứa các thành phần hoạt chất khác như Flavone, anthraquinone, hentriacontane, pentatriacontane, α và β-chlorophylls, phytin, resins, d-quercitol, acid tartaric, acid formic, acid butyric, lupeol, và trong dịch chiết còn có xuất hiện thành phần alcaloid.
Acid gymnemic có tác dụng kích thích sản sinh tế bào beta ở tuyến tụy, từ đó thúc đẩy tăng sản sinh Insulin và giúp cân bằng đường huyết tự nhiên của cơ thể. Acid gymnemic còn ngăn chặn hấp thu đường ở đường ruột do cấu trúc phân tử giống với đường glucose.
Chưa hết, dây thìa canh còn chứa hoạt chất Peptide gumarin. Khi ăn và nhai lá của dây thìa canh, peptide này lấp đầy các thụ thể và ngăn lưỡi hấp thu đường glucose.
Dây thìa canh với nhiều công dụng đã được nghiên cứu và chứng minh, cho kết quả hỗ trợ điều trị y khoa vô cùng tuyệt vời, nhất là đối với bệnh tiểu đường. Đây cũng là một trong số ít dược liệu quý hiếm không có nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên người bệnh vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng trước khi dùng.