Là một loại dược liệu quý hiếm trong hỗ trợ điều trị và chữa bệnh tiểu đường, dây thìa canh ngày càng được nhân giống rộng rãi. Tuy nhiên, để sinh trưởng trong môi trường và điều kiện khí hậu khác nhau thì kỹ thuật trồng và chăm bón loại cây này như thế nào? Nội dung bài viết dưới đây sẽ đề cập tới cách trồng dây thìa canh đạt hoạt chất tốt nhất. Mời các bạn đón đọc và tham khảo!
Nguồn gốc xuất xứ dây thìa canh
Dây thìa canh (Gymnema sylvestre) thuộc họ trúc đào (Apocynaceae) có tên gọi khác là Muôi hay Lõa ti rừng, có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới miền trung và miền nước Ấn. Nhờ vào dược tính trong điều trị bệnh tiểu đường mà hiện nay, loại cây này đã xuất hiện ở nhiều quốc gia với các tên gọi khác nhau như: Diabeticin (Ấn Độ), Sugarest (Mỹ), Glucos care (Singapore)…
Dây thìa canh tại Việt Nam
Năm 2006, người đầu tiên tìm ra giống dây thìa canh là Ts. Trần Văn Ơn – trưởng bộ môn Thực vật – Đại học Dược Hà Nội. Trong công trình nghiên cứu của ông, dây thìa canh là một phát hiện lớn, mang tính đột phá trong hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Dây thìa canh được tìm thấy ở khu vực miền Bắc và Bắc trung bộ trải dài từ Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Bắc, Ninh Bình đến Thanh Hoá. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, giống dây thìa canh đã được quy hoạch trồng bài bản thành vùng ở tỉnh Nam Định và Thái Nguyên. Đây là những vùng dược liệu lớn phục vụ cho quá trình điều chế thành phẩm từ dây thìa canh.
Đặc điểm thực vật của dây thìa canh
Dây thìa canh có đặc điểm dễ nhận thấy bao gồm:
- Hình dáng dây leo, có nhựa mủ màu trắng
- Thân chia thành lóng dài 8–12 cm với đường kính 3mm
- Lá hình bầu dục, đầu ngọn có mũi, dài khoảng 6-7cm, rộng tới 2,5–5 cm, chứa gân phụ rõ ở mặt dưới gồm 4-6 cặp, cuống dài 5-8mm
- Hoa nhỏ, màu vàng nhẹ, xếp thành bông, phát triển ở dưới nách lá, đài hoa có lông mịn, tràng không lông ở mặt ngoài, tràng phụ là 5 răng
- Quả hình dẹp dài khoảng 5-6cm.
- Cây ra hoa tháng 7 và đậu quả vào tháng 8. Quả chín rụng xuống thường tách đôi ra giống như 2 chiếc thìa nên còn được gọi là cây muôi.
Hoạt chất chính trong dây thìa canh
Dây thìa canh với thành phần hoạt chất chính là hoạt chất GS4 (Gymnema Sylvestre kiềm hóa lần thứ 4) gồm nhiều axit gymnemic – là một loại saponin triterpenoid có tác dụng sản sinh tế bào β tuyến tụy, qua đó, tăng cường sản xuất insulin, làm tăng hoạt tính của insulin đồng thời kiểm soát và ổn định đường huyết đáng kể.
Ngoài ra, các axit gymnemic có cấu trúc phân tử gần giống với đường glucose nên có thể làm ức chế khả năng hấp thụ đường ở ruột non, làm ức chế sự chuyển hóa glycogen ở gan thành glucose ở máu, bên cạnh đó, kích thích các enzym sử dụng đường tại các mô cơ. Nhờ đó mà giảm đường huyết nhanh chóng.
Mặt khác, trong dây thìa canh còn chứa peptide Gumarin. Đây là một chất sản sinh trong quá trình ăn và nhai lá dây thìa canh. Khi ăn và nhai lá dây thìa canh tươi, peptide Gumarin sinh ra lấp đầy thụ thể lưỡi, tác động vào vùng dưới đồi làm mất cảm giác ngọt và đắng. Do đó, mà người ăn không thể cảm nhận vị ngọt hay đắng, làm giảm cảm giác thèm đồ ngọt.
Cách trồng dây thìa canh đạt hoạt chất tốt nhất
Chuẩn bị đất trồng
Đất trộng cần chọn những vùng cao, mùn, tơi, xốp và có khả năng thoát nước. Độ PH rơi vào khoảng 5-6.5. Trước khi gieo trồng cần làm đất thật kỹ, tiến hành cày sâu, kết hợp phơi ải diệt trừ mầm mống sâu bệnh. Làm luống cao khoảng 30-35cm, chiều rộng luống tùy thuộc vào giàn che sẵn có.
Chọn giống hạt
Chọn giống hạt cần chọn quả chín già, hạt mẩy, chắc, kích thước dài 7-8mm, ngang 3-4mm, sau đó, phơi khô với độ ẩm đạt không quá 12%. Thường quả chín già vào tháng 10- tháng 12. Thời điểm đó thu hoạch là vừa.
Trước khi ươm hạt cần xử lý qua thuốc hoặc nước nóng 54 độ C để loại bỏ mầm mống sâu bệnh. Sao đó ươm hạt ở nhiệt độ tốt nhất từ 20 -35 độ C.
Luống gieo
Ở luống gieo đất cần làm nhỏ, san phẳng và được làm sạch cỏ dại. Luống sẽ rộng khoảng 1-1,2m, cao khoảng 25-30cm. Khi gieo, rắc đều hạt giống lên luống, sau đó phủ đất mịn lên khoảng 1cm, tiếp đến là phủ rơm rạ lên và tiến hành tưới nước đủ ẩm. Cây giống đạt chuẩn phải có chiều cao từ 17 – 20cm, lá có từ 13-15 lá, khỏe mạnh, không sâu bệnh.
Lên giàn
Đối với các giàn khác nhau thì lên luống khác nhau. Với giàn tre nứa: nên trồng 2 hàng/luống, hàng cách hàng 1m, cây cách cây khoảng 30-40cm. Với giàn thép: nên trồng 1 hàng/luống, cây cách cây 20cm. Sau khi lên luống xong thì đặt mỗi hố một cây lấp đất quanh đầu. Mật độ trồng tối thiểu là 1100 cây/sào (360 m2).
Cách chăm sóc
Sau khi trồng nên phủ kín rơm rạ quanh gốc và toàn mặt luống đồng thời tưới đẫm nước để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Cây cao khoảng 35-40cm thì tiến hành bấm ngọn cho cây ra nhiều nhánh gần gốc.
Trồng được 7-10 ngày, lại tiếp tục bón lót bằng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ kết hợp supe lân. Tỷ lệ 900 – 1,000 kg phân chuồng hoai mục kết hợp khoảng 15 kg supe lân cho 1 sào.
Thời điểm trồng đến thời gian thu hoạch cần bón thúc 3 lần vào 3 giai đoạn: 1 tuần sau trồng, sau lần thứ nhất 10 ngày, thời điểm cây leo 2/3 giàn. Ngoài ra sau mỗi lần thu hoạch cũng cần phải bón thúc định kỳ.
Phòng trừ sâu bệnh
Dây thìa canh rất dễ bị rệp sáp và muội đen tấn công nên có thường xuyên theo dõi và có kế hoạch phòng trừ.
Thu hoạch
Thời điểm thu hoạch là khi cây trồng được 6-8 tháng, thời vụ 2 tháng thu hoạch 1 lần, một năm có thể thu hoạch 4-5 lần. Trồng 1 lần có thể thu hoạch trên 10 năm.
Nội dung bài viết nêu rõ về cách trồng dây thìa canh đạt hoạt chất tốt không hề khó. Điều đáng lưu ý ở đây là thời điểm chọn giống hạt đồng thời chuẩn bị tốt đất trồng để ươm cây để cây giống đạt được trạng thái tốt nhất. Hi vọng rằng qua bài viết này, độc giả sẽ nắm bắt một số kiến thức về kỹ thuật trồng dây thìa canh hiệu quả.