Cách chăm bón dây thìa canh nên thực hiện theo những tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định để khi thu hoạch người gieo trồng sẽ đạt được sản lượng cũng như chất lượng tốt. Loại dược liệu quý này sớm được phát hiện ở miền Bắc Việt Nam, đã được trồng quy hoạch tại tỉnh Nam Định, Thái Nguyên và hiện đang được nhân giống ở một số tỉnh thành khác.
1. Đặc điểm giống dây thìa canh khi trồng tại Việt Nam
Nhờ công dụng đặc biệt trong hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, dây thìa canh ngày nay được trồng và phân bố rộng rãi ở nhiều khu vực của Việt Nam. Tuy nhiên, loài cây này không phải vùng nào cũng phù hợp để sinh trưởng. Dây thìa canh mang đặc tính chịu hạn tốt nên rất thích hợp trồng nơi đất khô xốp, có nhiều ánh sáng.
Một vài đặc điểm chi tiết về giống dây thìa canh:
- Thuộc họ dây leo có nhựa mủ màu trắng
- Thân dài 8–12cm, đường kính 3mm, có từng lóng nhỏ và có lỗ bì thưa.
- Lá hình bầu dục, đầu nhọn, có mũi, dài 6-7cm, rộng 2,5-5cm, gân phụ dưới lá gồm 4-6 cặp, cuống dài 5-8mm.
- Hoa nhỏ, màu vàng nhẹ, đài hoa có lông mịn.
- Quả hình dẹp, dài khoảng 5-6cm.
- Cây sinh trưởng ra hoa vào tháng 7 và đậu quả tháng 8 hàng năm. Dây thìa canh có thời gian nảy mầm ngắn.
2. Đặc điểm đất trồng dây thìa canh
Do chịu được hạn, không ưa trũng, ngập nước nên dây thìa canh thường được trồng ở vùng đất cao, khả năng thoát nước tốt. Đất càng mùn, tơi xốp, cây càng ưa, càng phát triển. Đặc biệt, độ PH của đất ảnh hưởng khá lớn, tối ưu nhất là khoảng từ 5-6,5 PH.
3. Chọn hạt giống và ươm hạt
Chọn hạt giống dây thìa canh vô cùng quan trọng, chọn từ quả chín già, ít sâu bệnh để lấy hạt. Thời điểm thích hợp lấy hạt là vào tháng 11-12 âm lịch, nên nhặt các hạt có đặc điểm như: chắc mẩy, kích thước dài 7-8mm, bề ngang khoảng 3-4mm. Sau đó, đem hạt phơi khô với độ ẩm không quá 12%, đem cân thử đạt 40-45g/1000 hạt giống.
Khi đã chọn được hạt giống ưng ý thì tiến hành ươm hạt. Ngâm hạt giống với nước ấm ở nhiệt độ 20- 35 độ C trong vòng 12-24 giờ. Lưu ý trước khi ươm cần xử lý hạt giống bằng thuốc để hạt không bị thối hoặc bị sâu bọ tấn công.
Sau khi ngâm hạt xong đến khâu gieo hạt. Đất trước khi gieo trồng cần làm sạch cỏ, đập cho tơi đất. Bên cạnh đó, tạo luống gieo rộng khoảng 1 – 1,2 m, chiều cao luống 25 – 30cm.
Tiến hành gieo hạt thì rắc đều hạt trên các luống, rồi thực hiện phủ hạt bằng lớp đất mịn khoảng 1cm, tiếp đó, phủ một lớp rơm lên mặt luống để đất có được đổ ẩm thích hợp, giúp hạt nhanh nảy mầm, ra rễ. Sau 3-4 tháng cây lên cao từ 17-20cm có thể mang đi trồng.
4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Sau khi đem cây trồng thì tiếp tục dùng rơm rạ phủ kín luống và quanh gốc. Tác dụng của việc này giúp giữ ẩm và hạn chế cỏ dại xen lấn, tốt nhất là cần tưới đẫm gốc đảm bảo độ ẩm cho cây. Cây cao khoảng từ 35-40cm tiến hành bấm ngọn để cây ra được nhiều nhánh hơn. Sau khi cây lớn thì làm giàn leo với vật liệu như: tre, nứa. Các thanh tre nứa cao khoảng 1,5-2m được cắm chéo thành hình chữ A để tạo độ chắc chắn cho giàn.
Lưu ý: Trước khi trồng cây từ 7-10 ngày thì cần bón lót bằng phân chuồng hoặc phân hữu cơ trộn phân supe cùng phân chuồng.
Từ khi trồng đến thu hoạch sẽ có 3 lần bón phân vào 3 giai đoạn khác nhau: Một tuần sau khi trồng, sau lần thứ nhất khoảng mười ngày, và khi cây leo được 2/3 giàn. Ngoài ra, mỗi lần thu hoạch xong cũng cần phải bón để cây được bù đắp chất dinh dưỡng cũng như cải tạo đất.
5. Phòng trừ sâu bệnh
Cách chăm bón dây thìa canh hiệu quả không chỉ quan tâm kỹ thuật trồng mà còn cần quan sát và loại trừ các mầm bệnh do sâu bệnh gây ra. Phổ biến nhất là bệnh do bọ rệp sáp và muội đen. Do đó, người gieo trồng cần thường xuyên theo dõi sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
6. Thu hoạch và sử dụng
Thời gian thu hoạch phù hợp nhất là khi cây trưởng thành có tuổi đời từ 6-8 tháng trở lên. Nếu trồng 1 lần có thể tái thu hoạch nhiều lần (lâu khoảng 10 năm). Một năm thu hoạch từ 4-5 lần mà không cần phải trồng lại, Cứ 2 tháng hái 1 lần, thường là vào khoảng thời gian tháng 4 đến tháng 12. Sản lượng thu hoạch dây thìa canh cho 1 – 1,2 tạ/sào/lần thu hái.
Dây thìa canh vốn có sức sinh trưởng mạnh mẽ, được thu hái quanh năm mà không cần chờ theo vụ. Bên cạnh đó, các bộ phận như lá, thân, hoa, quả của dây thìa canh đều có thể dùng để làm thuốc vô cùng hiệu quả, dù là ở dạng tươi hoặc khô hay làm cao dây thìa canh.
Dạng tươi: Dùng ngay sau khi hái
Dạng khô: Thu hái xong, rửa sạch, cắt khúc đem phơi khô hoặc sấy khô để dùng dần.
Cao dây thìa canh: Thu hái số lượng lớn dây thìa canh, sau đó đun cô đặc lại thành dạng cao lỏng hoặc cao đặc để dùng dần.
Cách chăm bón dây thìa canh không quá khó vì giống cây này rất dễ thích nghi với các vùng đất phù hợp. Chỉ cần hiểu và nắm rõ đặc điểm sinh trưởng của cây, người gieo trồng sẽ tạo được giàn dây thìa canh ưng ý. Qua đó, cây sẽ phát triển rất nhanh và cho ra năng suất thu hoạch lớn.